NỐT NHẠC LÀ GÌ? DẤU HÓA LÀ GÌ? CÁC KÍ HIỆU CỦA NỐT NHẠC VÀ DẤU HÓA – NHẬT ORGAN
NỐT NHẠC (NOTE)
Âm thanh được tạo ra từ các sóng âm rung động trong không khí. Khi các rung động này nhanh hơn, chúng ta sẽ nghe được âm thanh cao hơn và ngược lại, rung động chậm hơn thì âm thanh nghe trầm hơn. Các rung động này thường sẽ ở một tần số, một cao độ nhất định và ta xem đó là một nốt nhạc.
Hiểu về nốt nhạc là nền tảng cơ bản nhất của nhạc lý. Hầu hết tất cả những bản nhạc mà chúng ta từng nghe được tạo thành bởi chỉ 12 nốt nhạc (Từ Do tới Si, tính cả nốt trắng và đen trên piano).
Các nốt nhạc được ký hiệu bởi những chữ cái từ A-G như sau:
- Do: C
Re: D
Mi: E
Fa: F
Sol: G
La: A
Si: B (thường dùng trong những dòng nhạc bây giờ)
Ngoài ra trong nhạc lý có hai kí hiệu đặc biệt cần phải lưu ý:
- Si: H
Si giáng: B
TRƯỜNG ĐỘ NỐT NHẠC (DURATION)
Trường độ là giá trị thời gian của âm thanh. Về mặt vật lý, độ dài đo thời gian phát ra giao động của nguồn âm thanh. Trong nhạc lý, độ dài của âm thanh được quy định bằng các nốt nhạc với những hình dạng khác nhau.
Nốt nhạc có 2 bộ phận:
- Thân nốt nhạc: Là một hình tròn rỗng hoặc đặc ruột. Phần này để xác định vị trí cao độ của âm thanh.
Đuôi và dấu móc của nốt nhạc: Đuôi nốt nhạc là một vạch thẳng đứng, phần này để xác định độ dài khác nhau của âm thanh, đuôi nốt nhạc có thể quay lên hoặc quay xuống. Dấu móc luôn nằm ở bên phải của đuôi nốt.
Mối tương quan độ dài giữa chúng là: nốt đứng trước có giá trị gấp đôi nốt đứng sau.
Nếu: Nốt tròn = 4 đơn vị (x) đo độ dài (x/nhịp), thì các nốt còn lại sẽ có giá trị như sau:
- Nốt trắng = 2 x
Nốt đen = 1 x
Nốt móc đơn = 1/2 x
Nốt móc kép = 1/4 x
Nốt móc ba = 1/8 x
Nốt móc bốn = 1/16 x
Độ dài của các nốt không có giá trị thời gian quy định sẵn. Vì vậy, nốt nhạc chỉ biểu hiện mối tương quan về thời gian trong điều kiện cùng một tốc độ chuyển động (cùng tempo – nhịp bài hát).
Nếu nốt nhạc có dấu chấm phía sau (gọi là dấu chấm dôi), bạn cần cộng thêm 1/2 trường độ của nốt đó. Ví dụ nốt trắng có 1 chấm = 2+1 = 3 x; nốt đen có 1 chấm = 1+0,5 = 1,5 x.
DẤU HÓA (ACCIDENTAL)
Dấu hóa là sự nâng cao hoặc hạ thấp bậc cơ bản (nốt nhạc)
Có 5 loại dấu hóa: Thăng, thăng kép, giáng, giáng kép, bình
- Dấu thăng: Làm nốt nhạc tăng lên nữa cung
Dấu thăng kép: Làm nốt nhạc tăng lên một cung
Dấu giáng: Làm nốt nhạc giảm xuống nữa cung
Dấu giáng kép: Làm nốt nhạc giảm xuống một cung
Dấu bình: Đưa các bậc chuyển hóa về bậc cơ bản (nếu trước đó có bị tác động bởi dấu thăng hoặc dấu giáng).
Lưu ý:
- Các bậc cơ bản còn được gọi là âm (khi chúng vang thành âm thanh) hoặc là nốt nhạc (khi chúng nằm trên bản nhạc).
Để phân biệt các bậc có tên giống nhau nhưng cao độ khác nhau, người ta gọi chúng bằng kí hiệu như Đô1, Mi1, Fa1, Đô2, Mi2, Fa2…
Các kí hiệu của dấu hóa trong nhạc lý:
- Dấu thăng: is
Dấu giáng: es
Dấu thăng kép: isis
Dấu giáng kép: eses
Các trường hợp kí hiệu đặc biệt ở dấu giáng:
- Si giáng: B
Mi giáng: Es
La giáng: As
Thời nay để đơn giản hóa, những dòng nhạc bây giờ người ta hay viết kí hiệu như sau:
- Dấu thăng: #
Dấu thăng kép: ##
Dấu giáng: b
Dấu giáng kép: bb
HÓA BIỂU (KEY SIGNATURE)
Có 2 loại:
- Hóa biểu ghi ở đầu khuông nhạc, ảnh hưởng đến mọi nốt nhạc cùng tên trong cùng một đoạn nhạc.
Dấu hóa bất thường chỉ ảnh hưởng đến các nốt nhạc cùng tên trong cùng một ô nhịp.
Hóa biểu của bài hát chứa 1 loại dấu hóa (thăng hoặc giáng) ở đầu khuông nhạc, không bao giờ có cả 2 loại dấu cùng lúc, và nằm ngay cạnh khóa nhạc. Dấu hóa của hóa biểu nằm ở hàng nào thì sẽ ảnh hưởng tất cả các nốt có cùng tên gọi.