Nhật Organ - Chia Sẻ Động Lực, Kết Nối Niềm Đam Mê Âm Nhạc

QUAN HỆ HỌ HÀNG GIỮA CÁC GIỌNG – CÁC QUAN HỆ HỌ HÀNG CẤP I, II, III GIỮA CÁC GIỌNG – NHẬT ORGAN

QUAN HỆ GIỌNG HỌ HÀNG CỦA CÁC GIỌNG

Mối quan hệ giọng họ hàng gần hay xa giữa các giọng được xác định bởi sự liên quan giữa các hợp âm chủ và số lượng các hợp âm chung.

CÁC GIỌNG CÓ QUAN HỆ CẤP I

Các giọng có hợp âm chủ là một trong những hợp âm nằm trong hệ thống các hợp âm diatonic của một giọng trưởng hay giọng thứ tự nhiên và hòa thanh là những giọng có quan hệ họ hàng gần nhất.

  • Nếu giọng gốc là giọng trưởng sẽ có sáu giọng quan hệ họ hàng gần với nó. Đó là các giọng có hợp âm chủ là các bậc II, III, IV, IV hòa thanh, V, VI của giọng đó.
    Ví dụ: Nếu giọng gốc là C-dur ta sẽ có sáu giọng quan hệ họ hàng cấp I với nó: d-moll, e-moll, f-moll, F-dur, G-dur, a-moll.
  • Nếu giọng gốc là giọng thứ ta sẽ có sáu giọng quan hệ họ hàng gần với nó. Đó là các giọng có hợp âm chủ là các bậc III, IV, V, V hòa thanh, VI, VII của giọng gốc.
    Ví dụ: Nếu giọng gốc là a-moll ta sẽ có sáu giọng quan hệ họ hàng cấp I với nó: C-dur, d-moll, E-dur, e-moll, F-dur, G-dur.

Hợp âm bậc VII của điệu trưởng và hợp âm bậc II của điệu thứ là hợp âm ba giảm nên không thể là hợp âm chủ của 1 giọng trưởng hay 1 giọng thứ.

CÁC GIỌNG CÓ QUAN HỆ CẤP II

Các giọng có một hay hai hợp âm chung với giọng gốc nhưng không phải là hợp âm chủ là quan hệ họ hàng xa (đây là quan hệ cấp II). Có mười một giọng quan hệ họ hàng cấp II.

  • Nếu giọng gốc là giọng trưởng, các giọng quan hệ họ hàng cấp II gồm: Tám giọng trưởng (hơn kém giọng gốc hai, ba, bốn, năm dấu hóa) và ba giọng thứ (hai giọng thứ hơn kém giọng gốc hai dấu hóa và một giọng thứ thấp hơn giọng gốc quãng 2 trưởng).
    Ví dụ: Nếu giọng gốc là C-dur ta sẽ có mười một giọng quan hệ họ hàng cấp II với nó là: D-dur, B-dur, A-dur, Es-dur, E-dur, As-dur, H-dur, Des-dur, h-moll, g-moll, b-moll.
  • Nếu giọng gốc là giọng thứ cũng có mười một giọng quan hệ họ hàng cấp II với nó. Đó là tám giọng thứ (hơn kém giọng gốc hai, ba, bốn, năm dấu hóa) và ba giọng trưởng (hai giọng trưởng hơn kém giọng gốc hai dấu hóa và một giọng trưởng cao hơn giọng gốc quãng 2 trưởng).
    Ví dụ: Nếu giọng gốc là a-moll ta sẽ có mười một giọng quan hệ họ hàng cấp II với nó là: h-moll, g-moll, fis-moll, c-moll, cis-moll, f-moll, gis-moll, b-moll, D-dur, B-dur, H-dur.

 

CÁC GIỌNG CÓ QUAN HỆ HỌ HÀNG CẤP III

Các giọng không có hợp âm chung nào với nhau là các giọng thực tế không có quan hệ họ hàng trực tiếp với nhau, do vậy đây là quan hệ xa nhất giữa các giọng (quan hệ họ hàng cấp III).

  • Nếu giọng gốc là giọng trưởng sẽ có năm giọng có quan hệ họ hàng cấp III với nó. Đó là bốn giọng thứ là các giọng cách giọng gốc (quãng 1 tăng, quãng 2 tăng, quãng 4 tăng, quãng 5 tăng đi lên) và một giọng trưởng cách giọng gốc quãng 4 tăng đi lên.
    Ví dụ: Nếu giọng gốc là C-dur thì ta sẽ có năm giọng quan hệ họ hàng cấp III: cis-moll, dis-moll, fis-moll, gis-moll, Fis-dur.
  • Nếu giọng gốc là giọng thứ cũng có năm giọng quan hệ họ hàng cấp III với nó. Đó là bốn giọng trưởng cách giọng gốc (quãng 1 tăng, quãng 2 tăng, quãng 4 tăng, quãng 5 tăng đi xuống) và một giọng thứ cách giọng gốc quãng 4 tăng đi xuống.
    Ví dụ: Nếu giọng gốc a-moll thì ta sẽ có năm giọng quan hệ họ hàng cấp III: As-dur, Ges-dur, Es-dur, Des-dur, es-moll.



We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

NHẬT ORGAN
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0