TIẾT TẤU, TRỌNG ÂM, TIẾT NHỊP, VẠCH NHỊP, ĐẢO PHÁCH, NGHỊCH PHÁCH LÀ GÌ? – NHẬT ORGAN
TIẾT TẤU
Tiết tấu là tương quan trường độ của các âm thanh nối tiếp nhau.
TRỌNG ÂM, TIẾT NHỊP
Trong tiết tấu của tác phẩm âm nhạc, có một số âm được vang lên với cường độ lớn hơn, nổi bật hơn, đó là trọng âm.
Những trường độ có thời gian bằng nhau giữa hai trọng âm nối tiếp, đó là tiết nhịp (còn gọi là nhịp). Trong mỗi nhịp, chỉ có một trọng âm.
Trong nhịp, những trường độ bằng nhau có trọng âm và không có trọng âm, đó là phách. Phách có trọng âm gọi là phách mạnh, phách không có trọng âm gọi là phách mạnh vừa hoặc phách nhẹ.
Cần hiểu về phách và nhịp như sau :
- Phách và nhịp là đơn vị đo trường độ trong âm nhạc
Phách là khoảng thời gian trôi qua giữa hai tiếng gõ liền kề
Nhịp là khoảng thời gian trôi qua giữa hai phách mạnh liền kề
Độ dài của phách và nhịp thay đổi tuỳ thuộc vào tốc độ của từng bản nhạc
LOẠI NHỊP
Loại nhịp là sự thể hiện các phách của tiết nhịp bằng một trường độ nhất định
Trường độ gồm hai loại: Trường độ cơ bản và trường độ tự do
Dấu mắt ngỗng (miễn nhịp): Quyết định tự do trường độ nốt đó
Nhịp biến đổi: Gồm nhịp biến đổi luôn phiên và nhịp biến đổi không luôn phiên (cũng có thể nói rằng nhịp biến đổi có chu kì và nhịp biến đổi không có chu kì)
Nhịp độ là tốc độ của sự chuyển động: Nhanh, chậm, vừa
Loại nhịp được kí hiệu bằng số chỉ nhịp. Số chỉ nhịp được đặt sau khóa nhạc và hóa biểu (nếu có). Số chỉ nhịp gồm hai chữ số, số bên trên chỉ số phách có trong mỗi nhịp, số bên dưới chỉ trường độ mỗi phách bằng một phần bao nhiêu của nốt tròn.
Các ví dụ minh họa:
- Nhịp 4/4 (C): Nhịp 4/4 có bốn phách, mỗi phách có trường độ bằng một nốt đen (nốt đen có trường độ bằng một phần bốn của nốt tròn). Nhịp 4/4 có phách 1 là phách mạnh, phách 3 là phách mạnh vừa, phách 2 và 4 là phách nhẹ.
Nhịp 6/8: Nhịp 6/8 có sáu phách, mỗi phách có trường độ bằng một nốt móc đơn (nốt móc đơn có trường độ bằng một phần tám nốt tròn). Nhịp sáu tám có phách 1 là phách mạnh, phách 4 là phách mạnh vừa, còn lại là phách nhẹ.
VẠCH NHỊP
Trên khuông nhạc, nhịp có thể được gọi là ô nhịp. Các ô nhịp được phân cách nhau bằng những vạch thẳng đứng trên khuông nhạc gọi là vạch nhịp (hoặc gạch nhịp). Những nốt nhạc nằm sát sau vạch nhịp bao giờ cũng là phách mạnh.
Trong bản nhạc còn sử dụng hai vạch nhịp đứng sát nhau, gọi là vạch kép (hoặc vạch nhịp đôi). Vạch kép có hai loại.
Vạch kép có hai nét không tô đậm, dùng trong các trường hợp :
- Thay đổi nhịp
Thay đổi khóa
Ngăn cách các quãng, hợp âm
Chuyển sang đoạn nhạc mới
Vạch kép có một nét tô đậm, dùng trong các trường hợp :
- Đi cùng dấu nhắc lại hoặc dấu hồi
Kết thúc tác phẩm
NHỊP LẤY ĐÀ
Ô nhịp đầu tiên của bản nhạc không đủ số phách theo quy định của số chỉ nhịp, gọi là nhịp lấy đà.
Nhịp lấy đà luôn luôn nhỏ hơn hoặc bằng nữa ô nhịp của bản nhạc. Tổng số phách ở ô nhịp lấy đà cộng ô nhịp kết thúc bằng ô nhịp đầy đủ của bản nhạc.
Nhiều tác phẩm (đặc biệt là ca khúc) có nhịp lấy đà nhưng nhịp kết thúc vẫn đủ trường độ. Trong bản nhạc, nhịp duy nhất có thể thiếu trường độ, đó là ô nhịp mở đầu.
CÁC LOẠI TIẾT NHỊP
Có 3 loại tiết nhịp
Tiết Nhịp đơn:
- Có 1 hoặc 2 hoặc 3 phách trong một ô nhịp và chỉ có một trọng âm
Ví dụ: 2/4, 3/4
Tiết nhịp phức:
- Là sự kết hợp các tiết nhịp đơn cùng loại
Ví dụ: 4/4 = 2/4 + 2/4, 6/8 = 3/8 + 3/8
Tiết nhịp hổn hợp:
- Là sự kết hợp của các tiết nhịp đơn khác loại
Ví dụ: 5/4 = 2/4 + 3/4, 5/8 = 2/8 + 3/8
ĐẢO PHÁCH, NGHỊCH PHÁCH LÀ GÌ?
Đảo phách là kiểu nối tiếp tiết tấu mà trong đó trọng âm tiết tấu không trùng với trọng âm của tiết nhịp
Nghịch phách là kiểu nối tiếp tiết tấu gần giống đảo phách nhưng âm thanh phách yếu không ngân sang phách mạnh mà ở phách mạnh được thay thế bằng dấu lặng